Tại việt Tết được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 1 theo âm lịch hàng nằm trên đất nước Việt Nam và ở một vài nước khác có cộng đồng người Việt sinh sống. Trong những ngày Tết thường các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, mừng tuổi và thờ cúng tổ tiên... và cũng tùy theo phong tục tập quán của các vùng miền, dân tộc cũng sẽ có nhưng phong tục và tập quán khác nhau. |
Đây là tục lệ phổ biến ở khắp các vùng miền Việt Nam mở đầu cho chuỗi tập tục không thể thiếu trong ngày Tết nguyên đán. Tống cựu nghênh tân tức là tiễn đưa những thứ cũ và đón chào nhiều điều mới mẻ. Hiểu đơn giản đó là công việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa, loại bỏ những món đồ cũ kỹ, vô dụng và mua sắm thêm một số đồ mới cho căn nhà được trang hoàng hơn. Những ngày cuối năm, làng xã sẽ cùng dọn dẹp nhà thờ tổ, đình chùa, đường sá phóng quang…để cầu mong một năm mới an lành, nhiều may mắn.
Tống cựu nghênh tân còn mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần người Việt. Năm hết tết đến, họ thường tránh xung đột với nhau, mọi điều xưa cũ, xích mích, điều nặng tiếng nhẹ…đều được bỏ qua hết. Ai nấy đều tay bắt mặt mừng, chúc nhau những điều tốt lành, vạn sự như ý.
Nhiều gia đình nhắc nhở, dặn dò con cháu từ phút giao thừa trở đi không quấy khóc, không nghịch ngợm, cãi cọ nhau, không nói tục chửi bậy, không vứt rác viết vẽ bừa bãi. Cha mẹ, anh chị cũng không quở mắng, tra phạt con em, đối với ai cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở dầu lạ dầu quen.
Đối với bà con xóm giềng dù trong năm cũ có điều gì không hay không phải, điều nặng tiếng nhẹ hay xích mích gì đều xúy xoá hết. Dầu có thực lòng hay không nhưng không để bụng, cũng không ai nói khích bác hoặc bóng gió, ác ý gì trong những ngày đầu năm. Dẫu mới gặp nhau ít phút trước, nhưng sau phút giao thừa coi như mới gặp, người ta chúc nhau những điều tốt lành.
Tục cúng Tết:
Tết là một trong quãng thời gian thiêng liêng nhất trong năm của người Việt. Ðó là dịp đoàn tụ gia đình, cả người sống lẫn người đã khuất. Những người đi làm, đi học, xa quê hương, xa gia đình đều về ăn tết với cha mẹ, với gia đình.
Chiều 30 Tết (hoặc 29, nếu tháng Chạp thiếu), người ta cúng để mời linh hồn tổ tiên và những người thân đã mất về ăn Tết cùng con cháu. Ðúng giữa đêm trừ tịch, mọi nhà sẽ cúng giao thừa để tiễn năm cũ và đón năm mới. Lễ cúng này được bày ngoài trời hay trước cửa ra vào để cúng trời đất, cầu xin bình an may mắn.
Thuở xưa, thông thường, đúng giờ giao thừa thì các chùa đều gióng chuông báo hiệu, và rồi mọi nhà đều đốt pháo. Ðến ngày mồng ba thì cúng đưa tức tiễn đưa linh hồn những người mà ta đã mời về ăn tết chung. Về mặt nghi lễ, ngày Tết đến đây là chấm dứt. Ở nước ngoài, nhiều gia đình Việt vẫn còn giữ tục lệ này, chỉ không thể đốt pháo mà thôi.
Tục xông đất hay xông nhà:
Xông đất được xem là một trong những tục lệ quan trọng nhất trong ngày đầu năm mới. Theo quan niệm của người Việt, người đầu tiên bước chân vào nhà sẽ có ảnh hưởng đến vận may, công việc làm ăn của gia chủ trong cả năm đó. Do vậy, chủ nhà sẽ chủ động chọn một người để “chọn mặt gửi vàng”, đến gõ cửa vào đêm giao thừa hoặc sáng mùng một Tết. Người xông nhà phải có tuổi hợp với chủ nhà và hợp với con giáp của năm đó, đặc biệt tránh tuổi “tứ hành xung”.
Với mong muốn mang lại may mắn cho gia chủ, người đi xông đất sẽ mặc quần áo mới, nói nhiều lời hay ý đẹp và mang theo một món quà nhỏ. Quà ở đây không câu nệ về mặt giá trị, quà có thể là một chai rượu Tết, một gói trà thơm, cặp chiếc bánh chưng hay hộp bánh mứt-ô mai. Chủ nhà sẽ hoan hỉ đón nhận và tặng khách những lời chúc tốt đẹp nhất, sau đó họ cùng nhau nâng ly rượu khai xuân và mời nhau bánh kẹo, hạt dưa, miếng mứt ngọt ngào...
Tục xuất hành:
Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm mới. Người ta tin rằng hướng đi này sẽ có ảnh hưởng tới tương lai của mỗi người trong năm sắp tới. Cho nên, theo tuổi tác của mình, mỗi người xem sách lịch do những nhà bói toán viết ra để chọn hướng đi và giờ bắt đầu cho thích hợp.
Tuy nhiên, hiện nay, việc xuất hành cũng không còn quá nhiều kiêng kỵ như xưa nữa, do đường xá ngày càng nhiều, khó có thể đi đúng như sách cổ được.
Tục chúc tết, tục lì xì:
Hai tục chúc tết và lì xí luôn đi chung với nhau, một số gia đình thì người lớn tuổi hơn sau khi nhận được lời chục tết sẽ lì xì cho người chúc.
Chúc Tết không chỉ được coi là tục lệ trong ngày đầu năm mà còn trở thành một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam. Tục ngữ có câu “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy” cũng bởi người Việt thường đến chúc Tết ông bà, cha mẹ, cô thầy đầu tiên để bày tỏ tấm lòng hiếu kính.
Bậc bề trên cũng sẽ mừng tuổi con cháu bằng những phong bao lì xì đỏ gửi gắm vận may, phước lộc trong năm mới. Trong ba ngày Tết, người ta cũng rủ nhau đến thăm nhà hàng xóm, người thân, bạn bè…lời chào xã giao lúc này sẽ được thay bằng những nụ cười rạng rỡ, cái bắt tay thân thiết và lời chúc an khang thịnh vượng.
Dù nghèo khó hay sang giàu, gia đình nào cũng phải chuẩn bị một hộp bánh mứt – ô mai, ấm trà nóng, đĩa hạt bí hạt dưa…. Người Việt cho rằng, khay bánh kẹo, ô mai đặt trên bàn tiếp khách là biểu tượng của sự may mắn, sum vầy. Chủ nhà mời khách chén trà thơm thảo, quả ô mai đậm đà cũng là một cách chia sẻ yêu thương, cầu may cho người được nhận, thể hiện văn hóa trọng nghĩa, trọng tình của người Việt.
Khi đi chúc Tết đầu năm cần phải lưu ý một số điều: kiêng chúc tết người đang ngủ, kiêng đi chúc Tết khi đang có tang hay để quên khăn tay lại nhà gia chủ.
Tục biếu quà:
Người Việt xem tặng quà Tết như một phép ứng xử trong đạo lý làm người. Với mong muốn thể hiện tình cảm trong dịp quan trọng, con cháu thường chuẩn bị quà biếu Tết ông bà, cha mẹ, học trò tặng quà cho thấy cô giáo, bạn bè – hàng xóm tặng quà cho nhau... Quà Tết thường được cân nhắc rất kỹ càng, bởi đó không chỉ là quà mà còn chuyên chở thông điệp về sự an khang thịnh vượng và tâm tình người tặng muốn gửi trao.
Những món quà mà mọi người thường tặng nhau cũng không có gì quá cầu kì. Đó có thể là những chiếc bánh chưng, bánh tét, những gói bánh mứt, những túi trà xanh, hay đơn giản đó sẽ là những cành đào, cành mai, những chậu hoa…Nhưng quan trọng đó chính là sự chân thành, biết ơn, quan tâm của mọi người dành cho nhau.
Tục hái lộc:
Theo quan niệm của người Việt, lộc ở đây chính là sự may mắn, lộc tài, lộc phước. Vì thế vào đêm giao thừa, hay những ngày đầu năm mới, mọi người sẽ cùng nhau đến viếng chùa, đi nhà thờ để cầu chúc một năm mới suôn sẻ, bình yên.
Trong những ngày đầu năm, khi đến chùa, nhà thờ, mọi người sẽ được hái những lộc được treo trên cây mai, cây đào. Lộc ở đây có thể là những phong bao lì xì nhỏ, cũng có thể là những tấm thiệp, những tờ giấy nhỏ với những lời chúc tốt lành.
Mô tả ảnh.
Bên cạnh đó cũng có quan niệm rằng vào đêm tối giao thừa, trên đường đi hội xuân về, mọi người sẽ bẻ lấymột cành lá cây nào đó. Vì theo quan niệm nếu có được một cành lá tươi tốt thì mọi việc sẽ thật tươi mới, may mắn trong năm.
Tuy nhiên ngày nay, phong tục này vẫn còn ít được duy trì do một số hành động quá khích, bẻ cây, phá hoại cây cối gây ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên.
Lễ mừng thọ:
Ở các nước Tây Âu thường mừng thọ vào dịp kỷ niệm ngày sinh. Còn ở nước ta xưa kia, rất ít người nhớ chính xác ngày tháng năm sinh của mình, nhất là những người có tuổi nên vào dịp đầu xuân thường tổ chức mừng thọ lục tuần, thấp tuần, cửu tuần... tính theo tuổi mụ.
Ngày tết ngày Xuân cũng là dịp mọi người đang rảnh rỗi, con cháu tụ tập đông vui. Cũng vào dịp đầu xuân, người có chức tước khai ấn, học trò sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, thợ thủ công khai công, người buôn bán mở hàng lấy ngày: Sĩ, nông, công, thương "tứ dân bách nghệ" của dân tộc ta vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội hành thôn làm ăn suôn sẻ, đầu xuân chọn ngày tốt đẹp, bắt tay lao động sớm, tránh tình trạng cờ bạc, rượu chè, hội hè đình đám, vui chơi quá đà. Sau ngày mồng một, dù có mải vui tết, hoặc còn kế hoạch du xuân, đón khách, cũng chọn ngày "khai nghề", "làm lấy ngày".
Tục kiêng cữ:
Theo quan niệm của người Việt: "có kiêng có lành", cộng thêm quan niệm ngày năm mới mọi việc nhất định phải suôn sẻ thì cả năm mới thuận lợi được. Nên vào những ngày Tết sẽ có những tập tục, thói quen, để kiêng kị những điều xấu, những điều không may mắn.
Trong số những điều kiêng cử thường là:
- Kiêng quét nhà, kiêng đổ rác để những may mắn luôn ở trong nhà.
- Tránh mặc trang phục màu trắng và màu tối, điều này là để tránh những điều xấu, tang khóc sẽ đến với gia đình vào ngày đầu năm mới, vì thế vào những ngày này mọi người thường mặc trang phục với màu sắc rực rỡ: đỏ, cam, vàng, xanh, bên cạnh đó mọi người dù điều kiện kinh tế thế nào cũng sẽ mau sắm, may những bộ trang phục mới vào ngày đầu năm.
- Ngoài ra mọi người còn không được nói chuyện tục tĩu, nói những điều xui xẻo, chết chóc, không được khóc lúc mà phải luôn tươi cười vào những ngày Tết.
No comments:
Post a Comment